Verbier Festival1 ở Thụy Sỹ là nơi người ta có thể nhìn thấy pianist Evgeny Kissin mua giày, bắt gặp maestro James Levine dùng bữa ăn trên một hàng hiên hoặc thậm chí cùng uống rượu với nghệ sỹ viola Yuri Bashmet trong một quán pub. Đây cũng là nơi tác giả Daniel Felsendfield cho là lý tưởng để bắt đầu cuộc trò chuyện gần gũi nhưng khuấy động với một trong những nghệ sĩ hàng đầu thế giới – violonist Gidon Kremer2.
Dưới đây là lược dịch bài viết của ông về cuộc trò chuyện này.
Ông lớn lên trong Liên bang Xô viết và chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ ở đó. “Cuộc sống trong một chế độ chuyên chế không phải là ngày hội,” ông nói, “nhưng nó đem lại cho tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi cảm giác rằng những gì chúng tôi thực hiện trong âm nhạc– trong nghệ thuật – có ý nghĩa nhiều hơn. Chúng tôi cảm nhận đó không chỉ là công việc làm để giúp mọi người mua vui, mà là một điều gì đó mang ý nghĩa tinh thần và đạo đức lớn lao. Tôi đoán tôi là một trong những người đồng cảm với điều đó, và tôi vẫn cố gắng để đồng cảm với nó.”
Mối quan hệ giữa Kremer với Liên bang Xô viết cũ hết sức căng thẳng. “Trong quá khứ, quan hệ của tôi với chính quyền rất khó khăn; có thời gian tôi được phép đi lưu diễn nhưng một cách hạn chế,” ông hồi tưởng lại. “Sau đó tôi đã phá lệ và ở lại phương Tây, vì vậy tôi không thể quay trở lại Liên Xô. Tôi không giữ hộ chiếu Xô viết; không còn được coi là nghệ sỹ Xô viết nữa, nhưng tôi không hề hối tiếc.”
Điều đáng buồn là, khi mối quan hệ với Liên bang Xô viết trở nên tồi tệ, ông cũng bắt đầu đánh mất khán giả của mình ở đó. Họ không còn được xem ông biểu diễn, vì vậy ông đã bị lu mờ trong ký ức của họ. Nhưng sau đó xảy ra sự kiện Liên bang Xô viết sụp đổ. “Khi Liên bang Xô viết tan rã,” ông nói, “và tôi không còn phải chịu sự điều khiển của chính quyền nữa, tôi coi mình là người Latvia nhiều hơn, bởi vì Latvia đã trở thành quốc gia độc lập. Từ khi thành lập Kremerata Baltica, tôi thấy mình có mối liên hệ với vùng Baltic nhiều hơn”.
Nhưng dù vậy, Kremer vẫn chưa quên được quá khứ của mình, chưa quên được sống trong những điều kiện o ép có nghĩa là như thế nào. “Bây giờ tôi cố gắng xuất hiện trong Liên bang Xô viết cũ như một nghệ sỹ độc tấu với Kremerata,” ông giải thích. “Chúng tôi tổ chức nhiều buổi hòa nhạc gây quỹ; tôi cố gắng trung thành với quá khứ của mình.”
Với Latvia, – cũng như tất cả các nước từng ở trong khối Đông Âu – thời cuộc giờ đây đã khác và Kremer thì hứng khởi và có cảm xúc lẫn lộn trước những thay đổi này. Khi được hỏi ông cảm thấy như thế nào về quê hương của mình, ông nói, “tôi không phải lả ngươi ưa phán xét, nhưng dường như – không chỉ ở Latvia, mà cả ở Ukraine, Estonia – có một sự chia rẽ rõ rệt, giữa lựa chọn duy trì liên bang hay cắt đứt các mối quan hệ với Xô viết. Chúng tôi sống chật vật. Về mặt kinh tế thì hết sức khó khăn vì đất nước chúng tôi không có nhiều sản phẩm để bán. Nhưng cùng có cảm giác mọi thứ dần tốt lên. Tuy nhiên đời sống âm nhạc thì không được tuyệt vời cho lắm. Chính phủ không thể hỗ trợ cho tất cả các hoạt động âm nhạc và văn hóa, vì vậy chúng tôi phải tự tìm cách mà trụ lại.”
Kremer sinh năm 1947 tại Riga, Latvia, trong một gia đình bố mẹ đều là người Đức. Lên 4 tuổi, ông bắt đầu học violon với cha và ông, đều là những nghệ sỹ đàn dây xuất sắc. Lên 7 tuổi, ông vào Trường Nhạc Riga và 9 năm sau giành giải thưởng đầu tiên của nước Cộng hòa Latvia. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu theo học David Oistrakh tại Nhạc viện Moscow.
Trong sự nghiệp của mình, Kremer kết giao với nhiều nhạc trưởng hàng đầu thế giới, như Leonard Bernstein, Herbert von Karajan, Christoph Eschenbach, Nikolaus Harnoncourt, Lorin Maazel, Riccardo Muti, Zubin Mehta, James Levine, Valery Gergiev, Claudio Abbado, Sir Neville Marriner, và nhiều người khác. Danh mục biểu diễn của ông bao gồm tác phẩm của những nhà soạn nhạc thời kỳ cổ điển và lãng mạn, nhưng ông nổi tiếng nhất với những tác phẩm của thế kỷ 20. Ông trình diễn và thu âm với cây đàn do nghệ nhân Bartolomeo Giuseppe Antonio Guarneri chế tác năm 1730.
Vào năm 1996, Kremer có ý tưởng thành lập một dàn nhạc dân chủ, trong đó ông không phải là vị nhạc trưởng độc tài mà là nhà quản lý mềm mỏng và nghệ sỹ độc tấu. Đó là một tổ chức âm nhạc với sứ mệnh chính trị: giúp đỡ đời sống âm nhạc của vùng Baltic yêu dấu của ông và nhắc cho thế giới nhớ rằng có ba quốc gia Baltic – Estonia, Latvia và Litva. “Tôi nhìn nhận nó như một sứ mệnh văn hóa,” Kremer nói. “Cảm giác nó giống một nhóm nghiên cứu hơn là một dàn nhạc. Nó đem lại cho các nghệ sỹ tài năng của vùng đất này cơ hội nhìn thấy thế giới. Và sau tất cả những thành công của dàn nhạc, nhà nước đã quyết định tài trợ cho dự án này – điều đó thật tốt đẹp bởi vì không có nhóm nhạc cổ điển nào trên thế giới tồn tại được mà không cần đến các nhà tài trợ, chỉ biết trông vào nguồn thu từ các buổi hòa nhạc.”
Điều thú vị về Kremerata Baltica thể hiện ở danh mục tác phẩm mà nó thu âm, mỗi album luôn là một trải nghiệm trọn vẹn, được lựa chọn kỹ càng, và không bao giờ liên quan đến tính chính trị. “Tôi không bao giờ tự xem mình là người bất đồng chính kiến, Tôi chỉ cảm thấy phải làm tròn nghĩa vụ của mình, bảo vệ các nhà soạn nhạc và các tác phẩm mà tôi tin vào giá trị của nó,” ông nói. Danh mục thu âm luôn được Kremer và dàn nhạc đầu tư suy nghĩ để mở rộng bởi ông hiểu rằng, dàn nhạc cũng cần phải biết kinh doanh, tức là làm hài lòng các công ty thu âm, vốn chỉ muốn bán được nhiều hơn.
Đây quả là một chủ đề nóng đối với ông, và càng nói, Kremer càng trở nên sôi nổi (mặc dù ông luôn giữ được vẻ điềm tĩnh). “Đó không phải là mục tiêu của tôi [bán các bản thu âm]; mục tiêu của tôi là bảo vệ các giá trị liên quan đến nghệ thuật, lịch sử, phẩm chất, v.v”, ông nói. “Điều quan trọng là phải hiểu rằng những gì bán được không phải bao giờ cũng là những sản phẩm có giá trị; nó thường là thứ gì đó được thiết kế để đa số người dân có thể mua và tiêu hóa được chúng. Nhưng tôi cũng không muốn thuộc về câu lạc bộ của các nhà soạn nhạc hay những nghệ sỹ biểu diễn chỉ phục vụ một nhóm nhỏ người nghe, cho những kẻ hợm hĩnh. Tôi không tin rằng âm nhạc nghĩa là, theo cách nói của Mauricio Kagel, ‘của nhà soạn nhạc và cho nhà soạn nhạc’. Tôi tin tưởng vào thứ âm nhạc sống được.”
Khi được hỏi về việc cách thể hiện một tác phẩm, Kremer cười, giải thích rằng câu trả lời là vô tận trong thực tế. “Sự sáng tạo là một quá trình bạn tự vấn mình, từng giờ, từng phút của mỗi ngày,” ông nhận xét. “Anh phải mắc sai lầm; anh tìm kiếm gu của riêng mình – việc đó hết sức phức tạp.”
Ông cho rằng, mục đích của ông không phải chỉ là trở nên hoàn hảo mà còn là đem đến những điều mới mẻ cho công chúng, giúp họ mở rộng tầm nhìn. “Đó là lý do tại sao tôi gắn bó với một số nhà soạn nhạc nhất định, và cũng là lý do tôi thành lập Kremerata Baltica. Tôi không nói rằng giờ đây không còn nghệ sĩ tài năng, không còn tinh thần độc lập nữa. Làm ơn đừng biến nó thành kiểu Gidon Kremer đã già nua đến nỗi ông ta không còn thích thú với điều gì hoặc không nhìn thấy giá trị gì ở những nghệ sĩ trẻ.”
Trên thực tế, Kremer đã mời các nghệ sỹ trẻ Latvia mà ông thật sự tin tưởng. “Tôi thấy rằng các nghệ sỹ của Kremerata, mặc dù không phải tất cả đều là những nghệ sỹ độc tấu vĩ đại, nhưng họ lại có sự tươi mới và chân thành trong cách tiếp cận với âm nhạc”, ông nói.
Khi được hỏi về bản concerto cho violon của Berg, ông từ chối bình phẩm mà chỉ cho biết không bao giờ nói về những tác phẩm ông sẽ biểu diễn. Đêm đó, phần biểu diễn của ông sẽ là tiết mục chính – tất cả những gì ông muốn nói về việc tìm kiếm giá trị tinh thần trong nghệ thuật, sẽ hiển hiện trong phần biểu diễn bản concerto bí ẩn của Berg.
Với Kremer, người đã làm việc cật lực với những nhạc trưởng nổi tiếng và đã trình diễn với tất cả những dàn nhạc hàng đầu thế giới, điều ông hướng tới luôn luôn là câu chuyện tìm kiếm những gì tươi mới, đẹp đẽ và đích thực tồn tại.
Website: www.hocviolin.net