Nếu bạn muốn nhạc cụ của bạn lúc nào cũng đẹp như mới và luôn ở trạng thái tốt nhất để sử dụng thì bạn nên bỏ ít thời gian và công sức để chăm sóc, bảo quản. Một chiếc đàn violin thật sự có giá trị với bạn, do đó mà bạn mong muốn cây đàn violin của mình có cảm giác thật hoàn hảo. Sau đây là một số lời khuyên hy vọng giúp bạn chăm sóc và bảo quản tốt cây đàn violin của mình:
Cây đàn violin của bạn vừa được mua và chỉ mới sử dụng trong thời gian ngắn, bạn phát hiện ra dây cung bị đứt quá nhiều. Điều này rất có thể do dây cung bị bọ cắn, loại bọ này còn được biết đến là bọ cánh cứng hay ve. Chúng thường hoạt động ban đêm và ăn các chất như dây cung.
Việc bạn có thể làm là dùng máy hút bụi ở những khe hở của dây cung, hoặc đặt cây vĩ của bạn bên cạnh thuốc diệt côn trùng, sâu bọ…, phơi cây vĩ một lúc trước ánh sáng mặt trời.
Cách phòng chống là bạn nên thường xuyên sử dụng vĩ và đặt vĩ ngoài ánh sáng mặt trời. Nếu dây cung đã bị đứt quá nhiều thì nên mua 1 cây vĩ mới.
Những lưu ý khi sử dụng đàn violin
– Khi sử dụng đàn violin cần cố gắng tránh không để các sợi dây cung chạm vào tay hay các phần khác trên cơ thể vì phần dầu tự nhiên trên da sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng bám của dây cung.
– Nên chà một ít colophan (nhựa thông) lên dây vĩ trước khi chơi đàn. Cầm thanh vĩ ở tay phải và colophan ở tay trái, để các sợi dây cung nằm trên colophan, giữ yên colophan và từ từ di chuyển cây vĩ lên xuống, colophan giúp cho các dây cung tăng lực ma sát tạo ra âm thanh khi kéo đàn, trường hợp khi bạn chà không đủ hoặc quá ít thì khi chơi đàn violin sẽ không có tiếng hoặc âm thanh nhỏ. Ngược lại, chà quá nhiều thì tạo ra âm thanh khô, cứng và làm rơi nhiều bụi colophan lên dây khi chơi làm bẩn dây đàn.
– Sau khi chơi đàn xong, nên dùng một miếng vải sạch và mềm để lau sạch hộp đàn và dây đàn.
– Lưu ý cần nới lỏng dây cung trước khi cho vào hộp đựng.
– Khi không sử dụng đàn thì lúc nào cũng phải đặt đàn ở vị trí chắc chắn, tránh rơi vỡ.
– Nếu cần đánh bóng lại đàn violin thì bạn nên mang ra ngoài tiệm nhờ thợ chuyên nghiệp làm vì tự làm có thể làm hư hỏng lớp sơn của đàn.
– Trường hợp đàn violin của bạn xuất hiện các vết nứt, hở bạn không nên tự sửa chữa bằng các loại keo dàn thông thường mà cần mang đến cho thợ phục chế đàn chuyên nghiệp.
Nhiệt độ và độ ẩm là các nhân tố quan trọng
– Không để đàn violin nơi có nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng. Nhiệt độ cao quá mức có thể làm đàn bị hở ở các mối nối hay nứt vỡ . Lúc này bạn nên nghĩ đến việc sử dụng máy tạo ẩm cho đàn.
– Do nhiệt độ và độ ẩm thay đổi đôi khi chốt đàn bị dính chặt lại và bạn không thể nào chỉnh chốt được. Bạn có thể dùng dầu bôi trơn để bôi lên chốt đàn, nhưng không được dùng quá nhiều vì lượng dầu tích lũy nhiều theo năm tháng sẽ làm hư đàn của bạn.
– Còn nếu chốt đàn quá lỏng bạn có thể đẩy chốt vào sâu hơn, hoặc dùng miếng gỗ, giấy … để lót không cho chốt đàn bị trượt. Nếu vẫn không được thì bạn cần thay chốt mới.