CÂY VĨ CẦM BA DÂY
Nhiều người trong chúng ta hẳn chưa biết câu chuyện về buổi hòa nhạc ngày 18 tháng 11 năm 1995 ở Lincoln Center của Itzhak Perlman, nghệ sĩ đàn violon. Nếu như bạn biết ông, bạn cũng sẽ biết ngay cả việc bước lên bục sân khấu đối với ông cũng là một cố gắng lớn. Itzhak Perlman bị bệnh bại liệt từ nhỏ. Với hai chân liệt hẳn, ông phải chống nạng dò từng bước một lên sân khấu. Nhìn ông bước lên sân khấu là cả một cảnh tượng: ông bước từng bước một, đau đớn một cách vương giả, cho đến khi ông lần tới được chiếc ghế của ông. Sau đó ông ngồi xuống, từ tốn, đặt đôi nạng xuống sàn, bỏ những chiếc kẹp khỏi ống quần, gập một chân lên trước và duỗi một chân ra phía sau. Rồi ông cúi xuống, cầm lấy chiếc đàn violon, hất đầu ra hiệu cho nhạc trưởng và bắt đầu chơi nhạc.
Khán giả đã quen với cảnh tượng ấy. Họ ngồi chờ đợi một cách yên lặng khi ông lần bước qua sân khấu. Họ chờ ông tháo bỏ những chiếc cặp khỏi ống quần. Họ chờ tới khi ông sẵn sàng chơi nhạc.
Nhưng lần này, có cái gì đó không hay đã xảy ra. Ngay sau khi ông vừa chơi được mấy nốt nhạc đầu, một dây đàn đứt phựt. Bạn có thể nghe âm thanh đó vang trong phòng hòa nhạc. Không thể nhầm lẫn về âm thanh ấy, không thể nhầm lẫn điều mà Itzhak Perlman sẽ phải làm.
Mọi ngưòi thầm nghĩ “Tội nghiệp Itzhak Perlman. Ông ấy sẽ phải đứng dậy, cài lại ống quần, lấy đôi nạng, đi qua sân khấu để thay dây đàn hoặc lấy một cây violon mới”
Nhưng Itzhak Perlman không làm vậy. Thay vào đó, ông chờ một giây, nhắm mắt lại và sau đó ra hiệu cho nhạc trưởng bắt đầu lại. Dàn nhạc chơi tiếp, và ông bắt đầu chơi lại từ đúng chỗ mà ông bỏ dở. Và ông chơi với một sức mạnh, một cảm xúc, một sự trong sáng tuyệt vời mà khán giả chưa bao giờ từng được nghe.
Tất nhiên, ai cũng biết không thể chơi một bản nhạc chỉ với ba dây đàn. Tôi biết điều đó, bạn biết điều đó. Nhưng đêm ấy, Itzhak Perlman từ chối biết điều đó. Bạn có thể hình dung ông đang sửa, chỉnh với một tốc độ như thế nào trong đầu. Có những thời điểm, ông khiến cho những dây còn lại của cây đàn phát ra những âm thanh mà khán giả chưa biết đến bao giờ.
Khi bản giao hưởng kết thúc, một sự im lặng kỳ diệu tràn ngập gian phòng. Sau đó tất cả đứng cả dậy và vỗ tay vang dội. Tiếng vỗ tay tràn ngập tất cả các góc của phòng hòa nhạc, mọi người vỗ tay, gào thét, làm tất cả những cử chỉ mà họ có thể làm để khiến Itzhak Perlman hiểu họ biết ơn ông thế nào về điều kỳ diệu ông đã làm tối hôm đó.
Ông mỉm cười, gạt mồ hôi trên trán, sau đó ông nói khe khẽ, trầm ngâm và sùng kính: “Các bạn biết đấy, đôi khi nghĩa vụ của một nghệ sĩ là khám phá ra anh có thể làm gì cho âm nhạc chỉ với những thứ anh có.”
Và phải chăng điều kỳ diệu đó chính là cuộc sống, và nó đúng không chỉ với Itzhak Perlman và các khán giả trong cái đêm tháng 11 lạnh lẽo đó ở New York. Nó đúng với tất cả chúng ta, những người làm nghệ thuật. Cây đàn violon vốn có bốn dây, nhưng chỉ đến khi nó còn có ba dây, người nghệ sĩ thực thụ mới cảm thấy còn biết bao sức mạnh tiềm ẩn trong ba dây đàn mà anh chưa khám phá được. Chúng ta đang sống trong thời đại của Internet, của những phương thức biểu hiện mới. Các họa sĩ trẻ hăm hở với những cuộc biểu diễn sắp đặt, trình bày. Các nhà thơ trẻ đòi chôn cất “Thơ Mới”. Tất cả những điều đó đều rất đáng mừng. Nhưng đã có mấy người trong số họ chịu suy nghĩ họ sẽ làm gì với một chiếc đàn violon có ba dây trong một đêm hòa nhạc?
Trong một bài viết gần đây, nhà văn Nguyễn Quốc Trụ có nhắc tới “xưởng văn chương tiềm năng” Oulipo của hai nhà văn Pháp Raymond Queneau và Francois Le Lionnais. Xưởng văn chương thử nghiệm này đã sản sinh ra cho nước Pháp và văn học thế giới những tài năng lớn như Queneau, Le Lionnais, Roussel, Roublaud, Perec, Calvino. Những thử nghiệm của họ hướng tới những cải cách tân kỳ, đem áp dụng toán học, logic học, vật lý học vào để “nhào nặn và tái sắp xếp” hiện thực (như Calvino “xây dựng lớp lang một cuốn sách theo những hình vuông Greimas”). Nhưng cái quan trọng hơn, đó là ý thức“cưỡng ép hệ thống” của họ khi sáng tác một tác phẩm văn học. Georges Perec viết một cuốn tiểu thuyết không có nguyên âm “e”…hoàn toàn không phải là ý muốn chơi trội. Ðó chính là cái cách ông “cưỡng ép hệ thống”-hay là tự dứt đứt đi một dây trên chiếc đàn violon của mình để bắt buộc mình tìm kiếm những cách diễn đạt hoàn toàn mới mẻ. Xưởng văn chương tiềm năng này là công xưởng của những lề luật mới, của sự gò bó. Các nhà văn muốn chính sự gò bó này là cú huých thúc đẩy cảm hứng sáng tạo của nhà văn. Một thành viên của nhóm nói “văn chương không có chỗ cho sự ngẫu nhiên”. Nếu đợi cho tới lúc Nàng Thơ gõ cửa, chắc nhà văn đã kịp chết già. Khi đối diện với một sự gò bó, nhà văn có hai lựa chọn: hoặc tuân theo nó hoặc chống lại nó. Nhưng ngay thái độ tuân phục cũng là tuân phục một cách gò bó, bởi sự tuân phục này khiến anh phải chống lại các giá trị văn hoá tự thân mà anh đang có. Cả hai phản ứng này đều thúc đẩy người nghệ sĩ sáng tạo. Nhưng một sự “gò bó” chỉ có giá trị khi nó là một sự gò bó thực sự- giống như chiếc dằm cắm chặt vào kẽ chân của chú ngựa đua. Một khi sự gò bó đó đã biến thành khuôn mẫu, thành một thói quen, thì khi đó nó không còn giá trị nữa, và xưởng văn chương tiềm năng này lại phải “sản xuất” ra cho nhà văn một “bà cô nhức răng” khác. Thơ Mới thực sự khởi sắc khi nó tuyên chiến với những niêm luật khắt khe của thơ cũ, dù đã có lúc chính niêm luật khắt khe đó đã sản sinh ra những bài Ðường thi bất hủ. Khi đạt được sự tự do mà nó muốn có, Thơ Mới mất đi cái “sức chống lại” đã từng là động lực cho sự phát triển của nó. Và khi đó, sau một giai đoạn thịnh trị, không có gì ngạc nhiên khi nó lâm vào ngũ cụt. Sức cản chính của văn học Việt nam hiện nay, lạ lùng thay, lại ở chỗ chúng ta không nhìn thấy sức cản ở đâu.
Nhiều nhà phê bình hội họa sẽ còn tốn thời gian và giấy bút tán tụng cho “thời kỳ lam”, “thời kỳ nâu” của Bùi Xuân Phái. Họ không biết rằng, những bức tranh phố cổ tuyệt đẹp dùng toàn nâu hay lam của ông có một lý do rất đơn giản: vào những năm khó khăn đó của thời kỳ bao cấp, có những lúc, cửa hàng của Hội Mỹ thuật tại 51 Trần Hưng Ðạo chỉ có mầu lam hay mầu nâu để bán cho các hội viên. Còn rất nhiều những thách thức ngẫu nhiên khác đã khiến cho kho tàng văn học thế giới phong phú lên nhiều. Nếu Tào Thực không bị bắt buộc phải làm thơ trong bẩy bước, O’Henry không phải chứng minh ông có thể viết một truyện ngắn về tờ thực đơn ông cầm trên tay, Tchekhov không sẵn sàng viết về bao thuốc lá nếu được yêu cầu…hẳn chúng ta đã thiếu đi một bài thơ “que đậu nấu hạt đậu”, một “Tờ thực đơn”…Những thách thức đó, tuy vậy, vẫn chỉ là những thách thức ngẫu nhiên. Một người viết nên luôn có ý thức có một “xưởng văn học tiềm năng” trong đầu, một loại công xưởng không ngừng tự sản xuất cho mình những thách thức mới-chống lại những công thức đã cũ, hoặc chống lại chính ý nghĩ rằng những công thức đó đã cũ. Giống như con bò tót ngang bướng, nhà văn lì lợm húc đầu vào bức màn đỏ chống lại ý nghĩ rằng trên đời có những thứ gọi là “không thể”!
Thứ “không thể” thứ nhất chính là chiếc hộp bé xíu mà có người gọi là “cái thế giới-được-gọi-là-của-chúng-ta”, cái thế giới thường nhật tẻ nhạt trong đó có anh có tôi. Hãy thứ trao cho mình một con mắt vượt ra ngoài thế giới ấy, thử thách thức những định luật vật lý về không gian và thời gian mà chúng ta hằng tin, bạn sẽ thấy thế giới đó sẽ thực sự biến đổi trong sáng tạo của chúng ta, để người đọc chúng còn có thể than tiếc cho “cuốn sách thì ngắn mà cuộc đời dài quá”. Hoặc ngược lại, bạn hãy chứng minh rằng thế giới này không hề tẻ nhạt như vậy, rằng mỗi giây phút trôi qua đều chứa đựng trong nó bao nhiêu câu chuyện chưa từng được khám phá.
Thứ “không thể” thứ hai, là ý nghĩ mọi hình thức có thể sáng tạo đã được sáng tạo. Toàn những chuyện “thuần tuý hình thức”- ai đó có thể bĩu môi phán vậy! Ðúng thế, nhà văn chúng ta đã quen chơi trò Ðấng Sáng tạo với quyền sinh quyền sát trong tay, nay hãy tưởng tượng đến việc chính chúng ta bị ném vào một thế giới qui ước, trở thành những con rối trong tay những thế lực siêu phàm có tên gọi là hình thức đó. Người nghệ sĩ thực thụ là người không chấp nhận ý nghĩ có thể “cũ người” nhưng vẫn “m���i ta“. Ðập vỡ một thế giới không có gì là khó, nhưng để xây dựng nên một thế giới khác, anh không thể không tạo ra những lề luật, những mô hình mới, những cấu trúc mới. Một trí tưởng tượng phong phú của những năm năm mươi của thế kỷ trước sẽ hình dung ra một thế giới văn chương trong đó tiểu thuyết không có nhân vật, không có cốt truyện, truyện ngắn không có kết thúc, thơ không có vần, thời gian của truyện không có khởi đầu và không có kết thúc. Một trí tưởng tượng khác của cuối thế kỷ XX sẽ đưa nhà văn đến một thế giới văn chương ở đó tiểu thuyết có thể đọc từ hai phía, từ trang đầu tới trang cuối và từ trang cuối tới trang đầu, trở thành hai câu chuyện khác nhau; hay những cuốn tiểu thuyết được viết dưới dạng mục từ trong cuốn từ điển của một chủng tộc đã bị tiêu diệt, hoặc dưới hình dạng của những lá bài…vv và vv. Vậy đâu là thế giới văn chương của thế kỷ XXI? Liệu nhà văn Việt nam có dũng cảm đưa ra câu trả lời hay mãi mãi chỉ là kẻ theo đuôi?
Thách thức thứ ba còn khó vượt qua hơn nhiều. Ðó là làm nên những điều kỳ diệu từ cái mà anh đang có, chứ không phải là những cái mà anh ta tưởng là đang có. Con người có thể rất mạnh mẽ khi được trang bị những phương tiện hiện đại, nhưng hãy ném anh ta lên một hoang đảo với một bao diêm, ta sẽ xem anh ta có thực sự mạnh để dựng lên một mái ấm khiến anh ta có khả năng tồn tại. Hãy lấy đi thanh kiếm trên tay kiếm sĩ và hãy xem cái cách anh ta chiến đấu chống lại kẻ địch. Hãy thử bắt đầu việc sáng tác một bài thơ bằng việc nghĩ xem liệu ta có thể làm một bài thơ hay mà không có tất cả những kỹ thuật, những hình thức mà ta quen có. Hãy thử sống trong một thế giới với những cây vĩ cầm chỉ có ba dây.
Những người ham đọc kiếm hiệp đều biết chuyện những “cao thủ võ lâm” thành danh cuối đời sợ nhất chuyện “lâm vào cảnh tịch mịch, phát phiền mà chết”. Hình ảnh mới nghe qua có vẻ thơ mộng về những nhà văn “trăn trở trước trang giấy trắng” chính là cõi “tịch mịch” của một cuộc sống sáng tạo không tự tạo cho mình những thách thức, thiếu đi những lực cản thực sự để anh phải vượt qua. Cuộc sống“tịch mịch” trưởng giả ấy, chẳng mấy chốc sẽ biến thành “pháp trường trắng” xuống đao khai tử đời sống sáng tác của bất cứ “cao thủ” nào trong làng văn chương.
Trung Tâm Gia Sư Tài Năng Trẻ
ĐT: 090 333 1985 – 09 87 87 0217